Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Bí quyết giúp bạn mua smartphone cũ mà vẫn xịn

Với nhiều người thì mua điện thoại cũ có lẽ sẽ là lựa chọn phù hợp hơn so với mua smartphone tầm trung mới. Lý do là các mẫu điện thoại đầu bảng được phát hành trong 1 hoặc thậm chí là 2 năm vừa qua vẫn sẽ có nhiều tính năng hấp dẫn mà điện thoại tầm trung không có được.

Khả năng những chiếc smartphone đầu bảng (cũ) được nâng cấp phiên bản Android cũng cao hơn rất nhiều so với smartphone tầm trung. Cấu hình của chúng tuy có thể không phải là mạnh nhất nhưng vẫn sẽ là đủ dùng cho bạn. Khi mua smartphone cũ, khoản đầu tư bạn cần phải dành ra sẽ giảm đi rất nhiều.

Vậy, nếu mua smartphone cũ, đâu là những yếu tố bạn cần chú ý tới?

Kiểm tra bên ngoài điện thoại


Đây không phải là một lời khuyên thừa thãi. Chắc chắn, bạn sẽ kiểm tra xem smartphone định mua có bị xước màn hình hay lỏng nắp lưng hay không. Tuy vậy, điều quan trọng nhất mà bạn cần kiểm tra là liệu chiếc smartphone này đã từng bị nước vào hay chưa.

Hãy mở nắp lưng và kiểm tra tem dán trên pin xem có dấu hiệu ngả màu bất thường (thường là màu vàng hoặc da cam sậm) nào hay không. Trong trường hợp chủ sở hữu của chiếc smartphone này đã đổi pin, hãy kiểm tra các tem dán bên trong có dấu hiệu ngả màu hay không. Kiểm tra các cổng kết nối (USB và chân pin) có bị ngả màu hay không. Với bất kì linh kiện kim loại nào, ngả màu bất thường là một dấu hiệu cho thấy máy đã bị nước vào.

Hãy kiểm tra kỹ để xem liệu màn hình có bị nứt, vỡ hay không bằng cách bật màn hình điện thoại lên. Bạn cũng cần kiểm tra cả bộ phận ống kính camera. Nếu một chiếc smartphone có quá nhiều vết nứt, vỡ, chắc chắn chiếc điện thoại này đã bị rơi rất nhiều lần, và do đó có thể hoạt động không ổn định.

Xem thông số cấu hình


Bất kể là mua điện thoại mới hay cũ, bạn cũng cần lựa chọn các sản phẩm có thông số cấu hình phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu bạn cần một chiếc smartphone để lướt web và xem video, hãy chọn các sản phẩm có màn hình lớn. Nếu thường xuyên chụp ảnh để đăng tải lên Facebook, Instagram... hãy tìm hiểu về camera của điện thoại: mấy "chấm", có ổn định hình ảnh quang học hay không... Tất cả các thông số cấu hình của điện thoại đều được công bố trên trang chủ của nhà sản xuất. Hãy Google để tìm hiểu kĩ về model định mua.

Ngoài ra, ngay cả khi điện thoại có bề ngoài được giữ gần như mới, các tính năng bên trong có thể hoạt động không ổn định. Hãy thử bật màn hình, sử dụng các cử chỉ cảm ứng xem liệu máy hoạt động có ổn hay không. Nếu máy quá giật, đây có thể là vấn đề phần cứng và chiếc smartphone mà bạn đang định mua có thể sẽ sớm hỏng hoàn toàn.

Bản quốc tế hay bản khóa mạng?

Smartphone tại Việt Nam chủ yếu là các phiên bản quốc tế, do đó có thể tương thích với sóng của nhiều nhà mạng khác nhau trên toàn cầu. Tuy vậy, trên thị trường cũng tồn tại một số mẫu smartphone bị khóa mạng tại nước ngoài, sau đó được đem về mở khóa (unlock) tại Việt Nam. Điện thoại đã được mở khóa có thể tương thích với sóng di động trong nước, tuy vậy có thể gặp hiện tượng không ổn định khi nghe/gọi hoặc trong quá trình sử dụng thông thường. Điện thoại được mở khóa cũng có giá thấp hơn điện thoại phiên bản quốc tế.

Android hay iPhone?


Lựa chọn Android và iPhone là câu hỏi khó nhất mà bạn cần cân nhắc. Bạn có thể mua được cả iPhone cũ lẫn các điện thoại Android cũ chất lượng cao. Nhìn chung, cả fan của Apple và Android đều có sở thích của riêng mình, song lựa chọn iPhone sẽ là dành cho bạn nếu như bạn thích một chiếc điện thoại được bảo mật an toàn, dễ sử dụng, thiết kế đẹp và hoạt động ổn định. Ngược lại, nếu bạn thích màn hình lớn, khả năng tùy biến cao và các dịch vụ dữ liệu của Google, Android là lựa chọn dành cho bạn.

Chọn nơi bán uy tín

Nếu mua điện thoại cũ tại một cửa hàng, hãy kiểm tra uy tín của cửa hàng đó bằng cách Google tên cửa hàng đó. Nếu mua smartphone qua diễn đàn hoặc mạng xã hội, hãy xem các bài viết cũ để kiểm tra xem liệu đây có phải là một thành viên uy tín của diễn đàn hay không. Thử google số điện thoại hoặc tên người dùng của người bán cũng là một cách tốt để đánh giá người dùng này.


Khi mua bán, hãy nhớ thỏa thuận các điều khoản như thời gian "bao test" (dùng thử và cho phép trả lại) là bao lâu. Việc thỏa thuận thời gian "bao test" là tối quan trọng, do trong khoảng thời gian này bạn sẽ kiểm tra được pin của smartphone đã bị "chai" tới mức độ nào. Bạn cũng cần kiểm tra các thông số của điện thoại (tra IMEI/số series trên mạng) và kiểm tra tem, giấy bảo hành (nếu còn).

Cân nhắc mua điện thoại refurbish

Hàng refurbish là những sản phẩm bị lỗi, được trả về nhà sản xuất để sửa chữa rồi bán ra thị trường với giá thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm mới hoàn toàn. Các sản phẩm refurbish được nhà sản xuất kiểm thử rất kĩ và cũng được bảo hành, song với thời gian thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm mới. Do đó, bạn có thể cân nhắc mua smartphone refurbish thay vì mua smartphone cũ.

Khi mua điện thoại cũ, hãy kiểm tra xem sản phẩm mà bạn sắp mua có phải là hàng refurbish hay không. Hàng refurbish thường có số series được kí hiệu khác so với hàng mới. Hãy tìm hiểu về cách đặt số series của từng nhà sản xuất nhằm tránh mua phải hàng refurbish cũ với giá quá cao.


Mua đúng giá trị

Khi mua điện thoại cũ, bạn cần phải nắm được mức giá chung dành cho sản phẩm điện thoại cần mua là bao nhiêu. Hãy dạo qua các cửa hàng chuyên bán đồ cũ, xem một vòng các diễn đàn mua bán, trao đổi thiết bị công nghệ để nắm được giá chung cho chiếc smartphone bạn định mua. Tùy thuộc vào tình trạng sản phẩm, bạn có thể trả giá thấp hơn so với mức giá chung này. Nếu như sản phẩm vẫn còn rất mới (ít sử dụng, hoàn toàn không bị xước hoặc hư hại gì), trả giá cao hơn so với mức giá chung có thể coi là chấp nhận được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến