Phải nói rằng thị trường điện thoại thoại cũ không đâu nhộn nhịp như iPhone. Có rất nhiều thông tin xoay quanh vấn đền này. Vậy vì sao thị trường iPhone cũ lại nhộn nhịp ở Việt Nam?
Nếu bạn để ý, tất cả các bài báo khai thác thị trường điện thoại cũ hiện nay đều tập trung nói về các dòng iPhone. Và khi bạn vào Google search cụm từ "thị trường điện thoại cũ" sẽ có ngay 4,6 triệu kết quả tìm kiếm chỉ trong 0.36 giây và 6 kết quả đầu tiên đều xoay quanh những chiếc iPhone cũ.
Rõ ràng, đối với người Việt, iPhone là một sản phẩm luôn được chào đón một cách nhiệt tình kể cả thị trường điện thoại cũ, điện thoại xách tay hay hàng chính hãng.
Người Việt chuộng iPhone cũ
Có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều về việc người Việt chuộng iPhone đến như thế nào, song, đối với chúng ta, lượng người có đủ tiềm lực, ngân sách sở hữu một chiếc iPhone mới là rất ít. Bởi vậy, thị trường iPhone cũ nói riêng hay thị trường điện thoại cũ nói chung là một cứu cánh dành cho tất cả và sức hấp dẫn của thương hiệu đã dẫn đến hệ lụy to lớn này.
iPhone dù cũ nhưng vẫn rất được ưa chuộng tại Việt Nam
Trước đây đã có một blogger Việt Nam đã phân tích rất hay về việc tại sao Apple lại được người tiêu dùng trong nước yêu thích đến vậy. Theo blogger này, Apple đã trở thành một “lovemark”, điều mà mọi thương hiệu đều khao khát đạt được. Theo phân tích của blogger này, con đường phát triển của một cái tên được chia thành 4 giai đoạn, từ nhãn hiệu (trademark), thương hiệu (brand), thương hiệu tin cậy (trustmark) và cuối cùng là thương hiệu được yêu mến (lovemark).
Tất nhiên, Apple đã đạt đến ngưỡng lovemark, ngang hàng với các thương hiệu được ưa chuộn khác tại Việt Nam. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những tư vấn đều trỏ đến các sản phẩm của Apple như một sự lựa chọn hàng đầu và cũng từ đó, người dùng sẵn sàng bỏ qua những cảnh báo về chất lượng mà tìm đến các mẫu iPhone cũ. Sức hút từ thương hiệu, từ logo "quả táo cắn dở" quả là khó cưỡng đối với người tiêu dùng.
iPhone cũ có sẵn hàng hơn
Để tìm ra một sản phẩm có doanh số bán hàng cao bậc nhất thế giới hiện nay không quá khó khi gần như mặc định đó là những chiếc iPhone. Càng ngày, Apple càng tiệm cận kỷ lục bán 100 triệu chiếc điện thoại chỉ trong vỏn vẹn có 90 ngày. Vì thế mà lượng hàng iPhone cũ lại lớn hơn rất nhiều so với các dòng sản phẩm khác. Đặc biệt, theo những nghiên cứu thị trường gần đây, tốc độ đào thải của iPhone vượt trội hơn rất nhiều so với dòng Galaxy của Samsung, dòng One của HTC hay Sony Xperia.
iPhone có nhiều nguồn hàng hơn so với các mẫu smartphone khác
Đó là hai lý do chính khiến cho iPhone cũ nhập về từ các thị trường cung ứng trở nên rất nhiều, đặc biệt là từ đất nước láng giềng Trung Quốc. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng tìm thấy một chiếc iPhone 4S, iPhone 5 hay iPhone 5S với giá rất tốt trên thị trường, tại các cửa hàng bán xách tay và cả hình thức trao tay. Đối với dòng điện thoại khác, tỷ lệ này ít hơn rất nhiều. Trước đây Galaxy S2 hay S3 xách tay từ Hàn Quốc về với số lượng lớn nhưng lại không duy trì được thời gian dài do các nhà mạng SKT, KT, LGU không đặt hàng Samsung sau một thời gian bán ra sản phẩm.
Hiện nay, có một số dòng máy Android được xách tay từ Nhật qua nhà mạng KDDI hay Docomo cũng rất được ưa chuộng như HTC J One (One M7 Nhật), dòng Sony Xperia Z, Samsung Galaxy J, S4 Active cũng được nhập về nhưng sức hút không đủ lớn và giá cả chưa thực sự cạnh tranh. Đó là còn chưa kể đến sức hút và sự thèm khát thương hiệu từ phía người dùng.
iPhone mang tính toàn cầu hơn
Riêng đối với các smartphone Android, các sản phẩm được xách về luôn có những đặc điểm chung của nhà mạng đó. Các đặc tính kỹ thuật, các yêu cầu về quy trình nhận sóng, khóa mạng, imei, ID đều được kiểm soát do các nhà mạng đặt hàng từ trước. Bởi vậy, khi sử dụng những mẫu điện thoại như vậy, người dùng cần phải có một kinh nghiệm nhất định về ROM, Kernel hay việc tối ưu hóa hệ điều hành Android được tùy biến bởi nhà mạng, Hơn nữa, việc cập nhật phần mềm sẽ đem lại một số rắc rối đối với người dùng.
Về vấn đề này, iPhone có vẻ ổn và tiện lợi hơn. Cũng có những phiên bản khóa mạng những hình thức unlock khá dễ dàng và cũng có nhiều cách lách luật như dùng khay sim ghép chẳng hạn. Hơn nữa, iPhone tại các thị trường khác nhau là hoàn toàn giống nhau, không có khác biệt về thiết kế, tiêu chuẩn cũng như việc cập nhật phần mềm dễ dàng và đồng thời như phiên bản quốc tế. Cũng vì điều này, các thương gia ưa chuộng việc nhập iPhone hơn, ít kén người mua như các sản phẩm Android.
Trên đây là ba yếu tố chính giải đáp cho những thắc mắc về thị trường iPhone cũ lại sôi động và được nhắc đến nhiều như vậy trên tất cả các bài phân tích thị trường hiện nay. Trong bài viết không đề cập đến giá thành vì đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm và loạn giá đã trở thành đặc điểm lớn của thị trường điện thoại cũ.
Hơn nữa, iPhone hay iOS là khác xa với cuộc đua tranh cấu hình của các đại diện Android nên yếu tố giá thành không thể quyết định đến sức hút đến từ sản phẩm của Apple.
Theo Techz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét