Cửa phòng ngủ mở toang và đèn bật sáng, báo hiệu giờ ngủ kết thúc. Một đứa bé đầu tóc rối bù với đôi mắt ngái ngủ chập chững bám thành cũi. Cậu với ra phía bố, mỉm cười và bật ra từ được coi như ngôn ngữ của thế hệ chúng bây giờ: “iPhone”.
iPhone đã làm một cuộc đại cách mạng đối với ngành viễn thông. Nó trở thành công cụ hữu hiệu nhất trong lịch sử loài người để dỗ dành một đứa trẻ, điều này làm cho các bậc cha mẹ hết sức vui mừng vì họ có thể tự do tán gẫu trong nhà hàng và đi dạo trong siêu thị. Đối với bọn trẻ, iPhone cũng giống như một con thú nhồi bông quý báu vậy. Đây là một hiện tượng thu hút cả sự chú ý lẫn lo ngại từ các chuyên gia phát triển trẻ em.
Cô Natasha Sykes, một bà mẹ 2 con ở Atlanta, vẫn còn nhớ lần đầu tiên con gái mình, Kelsey lúc đó mới 2 tuổi, cầm chiếc iPhone của chồng cô. Cô nói: “Nó ấn nút và chiếc điện thoại sáng lên, tôi nhớ ánh mắt nó lúc ấy, nó giống như là ‘Wow’ vậy”.
Hai vợ chồng chị rất vui vì sự thích thú của con gái, nhưng sau đó, chị nhận ra rằng: “ Nó thực sự muốn có chiếc điện thoại”. Kelsey liên tục đòi, thậm chí gào khóc để được cầm chiếc iPhone. Sau 6 tiếng đồng hồ tìm kiếm, cuối cùng vợ chồng chị cũng thấy chiếc điện thoại của mình nằm ở dưới giường của Kelsey. Và họ cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ, cả Kelsey và cậu em trai 2 tuổi của bé đều có rất nhiều đồ chơi xếp hình, bóng nảy, ô tô và cả sách nữa, nhưng chúng chẳng là gì so với iPhone.
Cô Skyse nói: “Nếu được chọn giữa đồ chơi và iPhone, chắc chắn chúng sẽ chọn iPhone”.
Em bé và iPhone
Brady Hotz, 2 tuổi, say sưa chơi với chiếc iPhone của bố mẹ từ khi mới 6 tháng. Ảnh: NYTimes
Cậu bé Brady Hotz sẽ tròn 2 tuổi vào cuối tháng này và rất ghét phải ra khỏi nhà. Cậu hay dậy muộn lúc 6h45 thay vì 6h15, và vì vậy mẹ cậu luôn phải tất bật với việc mặc quần áo, cho cậu bé uống sữa cũng như ăn ngũ cốc hàng ngày.
Brady không muốn rời khỏi chỗ ngồi của mình và luôn miệng kêu “Mickey, Mickey”, có nghĩa là cậu sẽ không đi đâu hết cho đến khi xem xong chương trình về Câu lạc bộ chuột Mickey trên TV.
Đã quá quen với tình huống này, cô Hotz áp dụng ngay phương pháp mà cô gọi là “công cụ đảm bảo thành công”. Cô gợi ý: “Thế xem Mickey trên điện thoại có được không con trai?”. Và nó có hiệu quả ngay lập tức, cậu bé leo lên xe ngồi, xem show truyền hình trên Youtube qua iPhone và hát theo rất vui vẻ suốt quãng đường đến trường.
Nhưng rắc rối mới lại bắt đầu khi Brandy cứ muốn ở trong xe với cái iPhone. Cuối cùng, cậu bé đút nó vào túi và đi vào trường, cô Hotz đã phải lén lấy lại nó và đi thẳng đến công ty. Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ: “Tôi cần nó vì nhỡ có người nào gọi đến, thế nhưng thằng bé thì lại không muốn đầu hàng chút nào cả”.
Hãng sản xuất iPhone – Apple đã tạo nên thành công cho thiết bị này bằng một chiến lược vô cùng đơn giản: Đó là làm sao cho kể cả những người mù công nghệ nhất cũng có thể sử dụng được nó.
Và dĩ nhiên, điều đó có thể suy ra là trẻ con cũng có thể dùng iPhone. Model mới nhất của iPhone có chiều cao 11,43 cm, chiều rộng 5,9 cm và nặng 136 gram: kiểu dáng đẹp nhưng cũng không quá nhỏ. Chỉ cần ấn nhẹ lên biểu tượng trên màn hình là có thể sử dụng được mọi chức năng của iPhone, còn gì tuyệt hơn thế?
Đứa bé đòi iPhone trong cũi chỉ là một trong số hàng trăm nhân vật chính trong những video được phát tán đầy trên Internet về những đứa trẻ nghiện iPhone. Những đoạn video này thường được chính các bậc phu huynh đạo diễn để biểu lộ sự hãnh diện của họ về khả năng của con trẻ trong việc lướt tay trên màn hình cảm ứng để chụp ảnh hay mở các ứng dụng.
Rất nhiều các ứng dụng của iPhone trên thị trường nhắm vào trẻ mẫu giáo, và chúng được gắn mác “mang tính giáo dục”. Ví dụ như Toddler Teasers: Shapes, yêu cầu trẻ ấn tay vào hình tròn, hình vuông hay hình tam giác, Pocket Zoo: phát các đoạn video trực tuyến về các loài động vật tại các sở thú trên khắp thế giới, hay “Wheels on the bus” phát các bài hát phổ thông bằng nhiều ngôn ngữ. Và ứng dụng mới nhất của Kimberly – Clark ( nhà sản xuất bỉm Huggies) cho iPhone là iGo Potty lại có nhiệm vụ nhắc nhở trẻ em đã đến giờ “tập đi”.
Cùng với nỗi lo sợ làm rơi và làm hỏng, các bậc cha mẹ cho con dùng iPhone cũng đều có chung một cảm giác tội lỗi. Họ băn khoăn không biết đây có thực sự là một công cụ giáo dục không hay chỉ là một công cụ giải trí thụ động như TV mà thôi. Học viện nhi khoa Mỹ từ lâu đã khuyên các bậc cha mẹ không nên cho con cái xem TV cho đến khi chúng được 2 tuổi. Tiến sĩ Gwenn Schurgin O’Keeffe - một bác sĩ nhi khoa và đồng thời là thành viên của hội đồng truyền thông và thông tin của học viện cho biết họ sẽ liên tục đánh giá lại các hướng dẫn để giải quyết các dạng mới của “ thời kì màn hình (screen time)”.
Cô cũng nói: “Chúng ta luôn luôn cố gắng tạo ra những công nghệ mới nhất, nhưng công nghệ điện thoại bây giờ quá phức tạp đến nỗi chúng ta chỉ muốn quay trở lại bàn và suy nghĩ liệu ta đã có những hướng dẫn cụ thể cho điện thoại di động hay chưa. Nhưng hiện tại, nó làm ta có cảm giác nó giống một chiếc TV”.
Em bé và iPhone
Bella Giroux-Nix, 3 tuổi, luốn chiếm hữu chiếc iPhone của mẹ. Ảnh: NYTimes
Cô Jill Mikols Etesse, một bà mẹ có hai con gái, một 3 tuổi và một 8 tuổi ở ngoại ô Washington tin rằng việc cô con gái nhỏ của mình có vốn từ sâu rộng hơn, đọc và đánh vần thành thạo hơn cô con gái lớn trước kia là nhờ iPhone và iPad. Cô bé 3 tuổi có thể đánh vần được những từ phức tạp như “ starlight and fireworks” ( ánh trăng và pháo hoa) thông qua một ứng dụng có tên “ Montessori Crossword”. Cô nói: “Nó àung những từ ngữ mà tôi chẳng dùng bao giờ, thế nên tôi bíết là không phải nó học từ tôi”.
Nhưng cô Jane M.Healy, một chuyên gia giáo dục của Vail, Colo, lại phủ nhận điều đó: “ Bất kì cha mẹ nào nghĩ rằng một chương trình dạy đánh vần là thích hợp cho trẻ ở độ tuổi ấy đều không bíêt sự phát triển thực sự của bộ não trẻ. Điều mà chúng cần là hoạt động thể chất, điều khiển các đồ vật chứ không phải là học các loại công nghệ mơ hồ như vậy. Chúng ta không học cách đọc từ “mèo” bằng cách xếp các chữ cái thành chữ “mèo”. Chúng ta học thông qua việc lắng nghe và thấu hiểu ngôn ngữ. Các bậc cha mẹ thì lại quá bận rộn và để mặc bọn trẻ chơi với mấy đồ điện tử. Vậy ngôn ngữ ở đâu? Chẳng có ở đâu cả”.
Và mặc dù cô Etessee có cái nhìn khá tích cực, nhưng cô và chồng mình cũng quyết định phải có giới hạn khi thấy hai cô con gái dán mắt vào màn hình iPhone suốt 6 tiếng đồng hồ khi họ ở trên ô tô đi du lịch. Giờ họ chỉ cho phép hai cô bé dùng iPhone và iPad tối đa 1 tiếng/ngày mà thôi.
Cô Tovah P.Klein - Giám đốc Trung tâm phát triển trẻ tập đi của trường Cao đẳng Barnard thuộc Đại học Columbia - bày tỏ mối lo ngại rằng việc dính chặt lấy màn hình iPhone có thể làm hạn chế khả năng cảm nhận thế giới bên ngoài của trẻ. Cô nói: “Trẻ con ở tuổi này rất tò mò và luôn quan sát mọi thứ xung quanh. Nếu chúng cứ dính lấy cái màn hình điện thoại, chúng sẽ chẳng trông thấy, quan sát hay thu nhận được cái gì cả”.
Cũng giống như TV đối với thế hệ trước, thế giới đang chia ra làm hai: những cha mẹ cho con dùng iPhone và những người không. Trên website nổi tiếng cho các bậc phụ huynh UrbanBaby.com, các bà mẹ phản đối cho con dùng iPhone cho rằng: “ Tôi không để cho con mình đụng vào iPhone, nó sẽ làm con tôi thui chột hết sức sáng tạo” và “ Cũng không quá khó để thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách khác, ví dụ như sách chẳng hạn”.
Bà Kathy Hirsh-Pasek, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Temple, chuyên nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ, cũng đồng tình với quan điểm không cho trẻ dùng iPhone. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ học tốt nhất thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động, và nó sẽ giúp trẻ thích ứng nhanh chóng. Việc tương tác với màn hình không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Tuy nhiên, chính cô cũng tỏ ra ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều ông bố bà mẹ cho con dùng iPhone trên tàu điện ngầm khi đến New York. Cô nói: “Đó đúng là một chiếc điện thoại thần kì, và tôi thừa nhận là mình cũng nghiện nó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét